Trần Minh Nhật
Nguồn: VOV
VOV.VN -Ở Việt Nam mình, phải khẳng định ngay là văn hóa từ chức rất khó có đất sống.
Ông Nguyễn Sỹ
Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay là ở nhiều nước, khi
không còn uy tín tại vị, người ta sẽ từ chức. Nhưng ở xứ mình, làm gì có
ai dám thừa nhận mất uy tín đâu, kể cả nhiều trường hợp bị công luận
“điểm danh, chỉ mặt” vì công tác điều hành kém hoặc ngành, lĩnh vực xảy
ra vụ việc nghiêm trọng...
Đó là trường hợp các lãnh đạo cấp cao,
cỡ quản lý vừa vừa cấp dưới cũng vậy thôi. Ít ai chấp nhận mình bị “tín
nhiệm thấp”. Cứ nhìn vào bản tự kiểm cá nhân cuối năm sẽ thấy đồng loạt
một kiểu khuyết điểm, hạn chế như copy lẫn nhau: cần chủ động hơn nữa
trong công việc; cần nâng cao hơn nữa kinh nghiệm quản lý; cần phát huy
hơn nữa sức sáng tạo; đôi lúc còn cả nể, thiếu quyết đoán trong việc chỉ
đạo...
Mục khuyết điểm-hạn chế bé tin hỉn với
dúm từ ngữ chung chung nằm núp ẩn trong dãy ngôn từ lấp lánh mục kết quả
công tác. Báo cáo tổng kết cơ quan cũng vậy. Có thể nhặt ra hàng loạt
những câu văn dập khuôn năm nảo như năm nào: phát triển vượt bậc hơn mọi
năm; phát huy những gì đã đạt được, khắc phục khó khăn, thực hiện thành
công nhiệm vụ, định hướng đã đề ra...Phía sau bài diễn văn “hoành
tráng” là tiếng xì xào to nhỏ của cấp dưới. Uy tín sứt mẻ nhưng chiếc
ghế quyền lực khó lung lay. Dù không được xây bằng uy tín và hiệu quả
điều hành, thì nó cũng được “boong-ke”, o bế nhờ lá phiếu “nặng trịch”
của cấp trên.
Ảnh minh họa |
Môi trường đánh giá cán bộ không ở khả
năng chuyên môn mà trên sân golf, tennis hay bàn nhậu...không có chỗ cho
“văn hóa từ chức” lên tiếng. Nó chỉ thực sự phát huy trong một cơ chế
dân chủ, minh bạch với một cơ chế giám sát tuyệt đối.
Ngay cả lời cảm ơn, xin lỗi-biểu hiện
của văn hóa ứng xử còn thưa vắng trong đời sống xã hội thì “văn hóa từ
chức” vẫn chỉ là một khái niệm xa xỉ. Thực tế cho thấy ít lãnh đạo đứng
ra nhận lỗi với cấp dưới và cảm ơn cấp dưới vì họ đã làm tốt trọng trách
được giao. Cảm ơn ở đây nếu có, cũng chỉ rơi nhiều vào những trường hợp
ghi nhận cấp dưới đã bỏ phiếu ủng hộ hoặc “phục tùng” mình.
Có lẽ xứ mình vẫn hợp với “văn hóa...lên
chức” hơn. Chưa thể có những lá đơn từ chức khi mà tình trạng “ôm ghế”
vẫn tồn tại như một thứ “giá trị”. Thay vào đó là những mẫu đơn
xin...tại vị: “Tôi là..., chức vụ:...Xét thấy thời gian qua, công nhiều,
lỗi ít, lại được bao bọc trong sự quan tâm, yêu thương vô bờ bến của
lãnh đạo cấp trên, tôi nhận thấy mình vẫn còn nguyên uy tín và sự tín
nhiệm. Tôi làm đơn này xin...không từ chức. Tôi hứa sẽ tuân thủ chấp
hành thời điểm nghỉ hưu theo quy định”...
Nhiều vị “hạ cánh an toàn” đúng luật
định còn phát sinh tâm trạng bất mãn, giật mình thon thót ngỡ mình bị
hắt hủi, cô lập, bị quẳng ra rìa. Nhiều vị khi về hưu cảm thấy hụt hẫng,
tiếc nuối, nhất là các vị có chức quyền, nhiều bổng lộc, nhiều thuộc
cấp “hầu hạ”. Hưu còn thế nói gì đến ‘văn hóa từ chức”...
Khi nào đạo đức công vụ cột chặt vào hành trang chức vụ thì lúc đó “văn hóa từ chức” mới trở thành một hành xử quen thuộc./.
Trần Nhật Minh/VOV2