Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/11/14

TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC NGHE ĐÀI ĐỊCH?

Bình Lê
Nguồn: Diễn ngôn

Hồi nhỏ tôi thường thắc mắc với bố tại sao lại cấm nghe đài địch. Ông đưa ra rất nhiều giải thích khác nhau, nhưng tôi vẫn không thỏa mãn. Tôi chỉ băn khoăn nếu “muốn bắt cọp thì phải vào hang cọp” thì muốn thắng địch thì phải hiểu địch chứ. Như vậy, thì phải nghiên cứu, phân tích địch thì mới có giải pháp tốt để thắng địch, nếu không biết gì về địch thì làm sao thắng được địch?

Ảnh: Nghe đài địch để bị xuyên tạc hay nghe đài địch để thêm thông tin? (Nguồn: internet)
Ảnh: Nghe đài địch để bị xuyên tạc hay nghe đài địch để thêm thông tin? (Nguồn: internet)
Ngày nay câu hỏi này vẫn còn nguyên giá trị với tôi. Khi hỏi các nhà nghiên cứu xã hội hàng đầu Việt Nam sao không nghiên cứu các chủ đề nóng bỏng của xã hội, câu trả lời thường có là “không được đâu nhạy cảm lắm”.

Xã hội dân sự là một chủ đề được bàn thảo khá nhiều trong các nhà trí thức và vận động xã hội. Vào thế kỷ 18 và 19 ở Châu Âu, xã hội dân sự xuất hiện trong bối cảnh thương mại phát triển và sự hình thành của nhà nước hiện đại. Được coi là không gian của các quan hệ thị trường, xã hội dân sự là một sự phát triển tích cực. Tương tự như vậy, khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, các quan hệ thương mại phát triển làm nền tảng cho xã hội dân sự phát triển. Khi con người tự do hơn về kinh tế, không phụ thuộc vào nhà nước như “thời tem phiếu” thì con người tự tổ chức cuộc sống dân sự của mình, hình thành nên xã hội dân sự. Tuy nhiên, do khái niệm xã hội dân sự được mang đến cho các lãnh đạo từ góc nhìn của các chiến sỹ an ninh nên nhuốm màu “cách mạng lật đổ”. Chính vì vậy, xã hội dân sự trở thành một chủ đề nhạy cảm, không được nhắc đến trên báo chí, và tất nhiên nghiên cứu đồng nghĩa với phạm húy.

Gần đây báo chí đưa tin về nhiều vụ tự tử trong xã hội, từ các đại gia vỡ nợ đến cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bình Định. Bản thân tôi cũng biết vài người đã phải tự tử vì không trả được nợ khi cơn bão vay lãi càn quét qua xã hội Việt Nam. Rõ ràng việc nhiều người tự tử là một chỉ số quan trọng phản ánh sự bất thường của xã hội. Cũng giống như một nghiên cứu của Viện iSEE về tỉ lệ tự tử ở người đồng tính nữ cao gấp gần 30 lần tỉ lệ tự tử ở lứa tuổi thanh niên chỉ ra hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với nhóm người này. Nếu nghiên cứu sâu về hiện trạng và nguyên nhân tự tử sẽ giúp chúng ta định hướng phát triển xã hội tốt hơn, giải quyết những bức bối đẩy người dân vào con đường lựa chọn cái chết. Tôi hỏi một cán bộ nghiên cứu xã hội học hàng đầu của một Viện nghiên cứu hàng đầu của nhà nước sao không lấy đây làm đề tài nghiên cứu, tôi cũng nhận được một câu trả lời quen thuộc “nhạy cảm lắm chú ạ, không làm được đâu”.

Tương tự như vậy, những vấn đề liên quan đến định kiến kỳ thị với người dân tộc thiểu số cũng bị coi là nhạy cảm nên các Viện khoa học nhà nước không dám nghiên cứu. Nhiều người lý luận cho rằng pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, vì vậy nếu nghiên cứu thì giống như “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu nghiên cứu chỉ ra ở Việt Nam người dân tộc thiểu số vẫn bị định kiến kỳ thị thì phản lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, đó là chưa kể có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc. Tại sao một quốc gia có luật pháp cấm kỳ thị và phân biệt đối xử? Câu trả lời đơn giản vì định kiến và kỳ thị vẫn tồn tại trong xã hội và vì chúng ta muốn kiểm soát và xóa bỏ nó. Có luật cấm kỳ thị không đồng nghĩa với việc kỳ thị sẽ biến mất, giống như có luật hình sự không có nghĩa tội phạm sẽ hết. Nếu thực sự muốn xóa bỏ định kiền và kỳ thị, bảo vệ quyền bình đẳng cho người dân tộc thiểu số thì chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề triệt để chứ không phải vì “nhạy cảm” mà bỏ qua.

Một xã hội luôn vận động thì luôn có những vấn đề mới nảy sinh. Nếu các nhà khoa học không đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phân tích và đề ra giải pháp đồng nghĩa họ tự phủ nhận sự tồn tại của mình. Nếu “không được đâu nhạy cảm lắm” trở thành bùa chú để né tránh những vấn đề gai góc của xã hội thì xã hội sẽ tiếp tục bị méo mó và nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng không được giải quyết. Đã đến lúc Việt Nam cần thúc đẩy tự do học thuật, các nhà nghiên cứu cần xông xáo đi đầu trong việc bàn luận về các vấn đề bức xúc của xã hội. Khi đó, chúng ta mới không bị bỏ lại phía sau xa hơn nữa với những rào cản “nhạy cảm lắm” do chính mình tạo ra!

VIỆT NAM YÊU DẤU