LS Hà Huy Sơn
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự (TTHS) được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành:
1- Hiến pháp năm 2013:
Khoản 1 điều 31 “Người bị buộc tội được coi là
không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có
bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
2- Bộ luật TTHS năm 2003:
Điều 9.“Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật
Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.”
Để buộc tội một người Tòa án phải căn cứ vào chứng cứ để xác định
hành vi của người đó là hành vi phạm tội. Theo khoản 2 điều 64 của Bộ
luật TTHS, quy định chứng cứ bao gồm 04 nhóm sau:
“a) Vật chứng;
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự,
bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người
bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
c) Kết luận giám định;
d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.”
Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần có ít nhất 01 nhóm
chứng là có thể giải quyết vụ án, hay nói cách khác là có thể quyết định
một người là vô tội hay có tội. Thông thường các cơ quan tiến hành tố
tụng khi tiến hành giải quyết một vụ án thường bắt đầu bằng những biện
pháp ngăn chặn đối với những tham gia tố tụng, tức là quyền và lợi ích
của họ đã bị ảnh hưởng. Nếu quyết định đình chỉ, hủy bỏ quyết định tố
tụng do không có hành vi phạm tội thì những cá nhân, cơ quan tiến hành
tố tụng phải có trách nhiệm bồi thường. Chính vì lý do đó mà khi đã ra
quyết định khởi tố bị can là các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ bằng mọi
biện pháp để buộc tội bị can, bị cáo; trường hợp tuyên vô tội là rất
hiếm. Điều này là loại trừ nguyên tắc khách quan, nhân đạo của pháp luật
TTHS là “thà bỏ sót còn hơn là kết án oan”; nguyên tắc suy đoán vô tội
đã không được áp dụng trong thực tế tố tụng. Vì các cơ quan tiến hành tố
tụng có thể chỉ dựa vào “lời khai” cũng đủ để buộc tội một người mà vẫn
không bị coi là vi phạm TTHS.
Ở đây tôi chỉ bàn đến “lời khai” của những người thuộc nhóm người
tham gia tố tụng. Trong số người đó, riêng bị can, bị cáo, tại điều 72
Bộ luật TTHS đã có quy định “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.”để
đảm bảo tính khách quan của chứng cứ. Nhưng lời khai của “người làm
chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” lại không quy định là không được dùng
lời khai đó là chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo. Tôi cho rằng để đảm
bảo tính khách quan của “lời khai” hoặc tuân theo nguyên tắc “trọng
chứng hơn trọng cung” thì Bộ luật TTHS sửa đổi cần quy định “Không được dùng lời khai làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Có như vậy, thì mới buộc các cơ quan điều tra phải nâng cao chuyên
môn, nghiệp vụ trong hoạt động điều tra; ngăn ngừa tận gốc tình trạng
mớm cung, bức cung và hạn chế nhục hình.
Hà Nội, ngày 02/09/2014
H. H. S.