Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

7/11/14

LÀM SAO ĐỂ TĂNG SỐ NGƯỜI ỦNG HỘ CẢI CÁCH THỂ CHẾ

Nguyễn Đình Cống

Trong xã hội Việt Nam hiện nay nhiều tệ nạn như tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, mua quan bán tước, gian dối, đạo đức và giáo dục xuống cấp, sự gia tăng cái ác, lạm phát, ô nhiễm và phá hoại môi trường, oan ức và khiếu kiện kéo dài, mất tự do dân chủ, v.v. càng ngày càng tăng, càng chống càng phát triển. Điều đó có nguyên nhân sâu xa từ thể chế, từ chính sách và sự lãnh đạo, quản lý của chính quyền.  Đa số người dân mất lòng tin vào nó. Toàn dân thấy rõ  tình trạng đạo lý xã hội xuống cấp trầm trọng, thế nhưng khi bàn đến cải cách, đổi mới thể chế thì lại có sự phân tán về quan điểm. Trong khi khá đông người thấy rõ sự quan trọng, sự cấp thiết phải cải cách, tuyên truyền, vận động cho cải cách thì  một số người tỏ ra  e dè, không muốn. Tôi đoán nếu bây giờ mà làm cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi “có đồng ý làm cải cách thể chế hay không” thì chắc là trong khi nhiều người trả lời có, rất muốn cải cách, một phần không ít sẽ trả lời: không. Mọi người đều biết Nga và các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp, Đông Đức… là những nước anh em, bạn bè thân thiết của ta trong phe XHCN trước đây, đã làm cải cách thể chế trong hòa bình và hiện nay đang phát triển rất tốt đẹp. Thế nhưng tại sao một số dân ta lại  trả lời không muốn làm như họ. Có một số người  trả lời “không” vì sợ,  vì phải làm và nói theo sự chỉ đạo của đảng và chính quyền, nhưng cũng có một số thực lòng không muốn. Phải chăng dân ta chịu khổ quen rồi, chịu áp bức quen rồi nên không muốn thay đổi? Không, chẳng ai quen với sự nô dịch và bị áp bức, họ thực sự không muốn cải cách vì có những lý do khác nhau. Qua sự thăm dò, điều tra sơ bộ tôi thấy những người này có thể xếp thành bốn loại (không kể những người thực tâm là muốn nhưng vì sợ hoặc vì bị bắt buộc mà phải nói không, bọn họ thuộc loại người đã quen hoặc bị bắt buộc dối trá).


Loại một là đa số những người sẽ bị thiệt về quyền lợi khi cải cách. Một số trong bọn họ không những không muốn mà còn chống lại cải cách vì đang tận hưởng cảnh “đục nước béo cò”, càng duy trì tình trạng như hiện nay họ càng thu nhiều lợi. Mà suy cho cùng thì chính họ chứ không phải ai khác đã chủ mưu, trực tiếp hay gián tiếp gây ra tình trạng xã hội như hiện nay. Họ rêu rao là phải bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ, chứ thực chất  là bảo vệ quyền lợi  của riêng họ và nhóm lợi ích của họ. Một số còn bịa đặt là cải cách sẽ gây ra chiến tranh để hù dọa mọi người. Loại một ước tính vào khoảng 2% dân số. Trong những người bị thiệt về quyền lợi khi cải cách vẫn có không ít người hoạt động để cải cách vì họ còn có lương tâm, họ biết cải cách sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho dân tộc, trong đó có họ.

Loại hai là một số người đang có quyền lợi lệ thuộc vào thể chế hiện hành. Đó là những người hưởng lương hưu, hưởng chính sách xã hội. Trong số này chỉ một ít có thu nhập khá còn phần đông cũng chỉ là  đủ sống chật vật, họ sẽ gặp khó khăn khi lương hưu bị chậm chứ chưa nói đến bị mất tạm thời. Họ sợ cải cách, tuy là hòa bình nhưng có thể sẽ tạo nên sự thay đổi dù chỉ  trong thời gian ngắn, làm ảnh hưởng đến việc phát  lương hưu hoặc trợ cấp  của họ. Đối với họ thà cắn răng mà chịu, hy vọng sự xấu xa chỉ xảy ra với người khác, còn mình thì tìm cách tránh được chừng nào hay chừng ấy. Họ không muốn cải cách chỉ cốt để  giữ yên cái niêu cơm còm cỏi, cái chỗ nằm chật chội và bẩn thỉu, họ biết đang bị khối u hành hạ nhưng thà bị chết dần chết mòn do nó phát triển còn hơn chịu đau một chút để cắt bỏ. Có một ít trong số họ vẫn còn hy vọng, tin tưởng vào một chút nào đó lòng tốt và sự sáng suốt của chính quyền, chờ đợi sự ban ơn từ chính quyền. Theo ước tính, số người thuộc loại hai chiếm khoảng 6% dân số. Về tỷ lệ, số này tuy không lớn nhưng ảnh hưởng của họ tương đối rộng đến số người loại ba và dễ bị   loại một lôi kéo. Trong số những người hưởng lương hưu không phải tất cả thuộc loại hai, vẫn có nhiều người không những muốn cải cách mà còn hoạt động tích cực cho cải cách.

Loại ba gồm đa số những người lao động bình thường, làm việc tự do hoặc trong các tổ chức, họ chỉ cầu mong xã hội yên ổn để làm ăn, để nhận lương,  họ  có tầm nhìn hạn hẹp, biết cải cách là tốt nhưng sợ sẽ làm xáo trộn cuộc sống. Số này tuy không muốn cải cách nhưng sẽ sẵn sàng ủng hộ, sẵn sàng tham gia cải cách khi nó xảy ra. Loại ba chiếm khoảng 10% dân số.

Loại bốn là một số người đã bị nhồi sọ, bị mê hoặc mà  ngây thơ tin vào sự tốt đẹp của thể chế, của ý thức hệ, họ cho rằng xã hội có một số tiêu cực chỉ là tạm thời và do một số người thoái hóa, biến chất gây ra, còn chế độ hiện tại vẫn là ưu việt nhất. Số này thường bị  người loại một tuyên truyền, lừa phỉnh, quen với đầu óc nô lệ, ngu dân (mà cứ nhầm tưởng rằng mình là người có giác ngộ cao). Loại bốn chiếm khoảng 3% dân số.

Hiện nay số mong muốn cải cách, kêu gọi cải cách, hoạt động cho cải cách đang phát triển trong mọi tầng lớp nhân dân: đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu, từ những người có vị trí trong xã hội hoặc chỉ là bình thường, từ những tướng tá, sĩ quan, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang, từ những trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên và doanh nhân, từ những người lao động, những sinh viên, học sinh. Những người thiết tha với cải cách đang dần tăng lên, đặc biệt là trong tầng lớp tuổi trẻ. Tuy vậy trước mắt chưa thấy xuất hiện một sự tập hợp có lãnh đạo thống nhất. Tôi nghĩ rằng khi  vận động cho cải cách thể chế cần công bố và thực hiện phương châm “Giữ nguyên lương hưu cho những người đang hưởng”. Làm như vậy nhằm bảo đảm quyền lợi và lôi kéo những người loại hai tham gia , ủng hộ việc cải cách, làm cho lực lượng của phe cải cách tăng lên, thành sức mạnh của toàn dân. Lực lượng ủng hộ càng đông làm cho công cuộc cải cách càng trở nên bức thiết, càng thúc đẩy việc phải tiến hành cho đến thắng lợi.
N.Đ.C.

VIỆT NAM YÊU DẤU