Đoan Trang
Nguồn: Luật khoa
Đoan Trang – Công luận
Việt Nam vừa có vài tuần ồn ào lên với vấn đề “quyền im lặng”. Cần phải
nói rằng, với giới luật học, khái niệm này không quá xa lạ, nhưng với
đông đảo người dân thường, dường như nó vẫn là một điều gì rất khó hiểu
và khó thực hiện: Tại sao lại cho “bọn tội phạm” quyền im lặng? Như thế
có gây khó khăn cho hoạt động điều tra không? Mà gây khó khăn cho hoạt
động điều tra, suy cho cùng, là gây tốn kém nguồn lực của xã hội, và
nguy hiểm nhất là dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm… LKTC tin rằng những câu
hỏi đó là thắc mắc chung của rất nhiều người về vấn đề quyền im lặng. Hy
vọng bài viết sau đây có thể giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn.
Một ý kiến tiêu biểu cho những ý kiến
băn khoăn về quyền im lặng, là của Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường
trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Quyền im lặng không phải quyền con
người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố
tụng hình sự. (…) Nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại
gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ
án”. (Chương trình Sự kiện và Bình luận, VTV, 27/9/2014).
Vậy, thực sự thì quyền im lặng có phải quyền con người không?
Từ giác độ luật pháp nhân quyền quốc tế
Tháng 7-2007, Ủy ban Nhân quyền của LHQ
ban hành bản Bình luận Chung (General Comment) số 32, trong đó, Điều 14
của Bình luận Chung này chuyên về “quyền được bình đẳng trước tòa án và
quyền được xét xử công bằng”.
Điều khoản đó được coi như một chuẩn mực của công pháp quốc tế về nhân quyền. Nó phát biểu rằng:
“Ngay cả trong quá trình điều tra hình
sự, người bị bắt vẫn phải tiếp tục được hưởng các quyền và quyền tự do
căn bản, mặc dù có những hạn chế nhất định vốn là tính chất cố hữu của
việc bị tước đoạt tự do thân thể. Bên cạnh quyền được gặp luật sư, các
cơ chế bảo vệ người bị bắt trong quá trình thẩm vấn còn bao gồm việc cấm
ép người bị bắt phải nhận tội hoặc tự khai điều gì bất lợi cho bản
thân, bác bỏ những bằng chứng thu được bằng biện pháp tra tấn hoặc ngược
đãi, và quyền có phiên dịch, quyền được tiếp cận những hồ sơ, biên bản
ghi lại tiến trình thẩm vấn”.
“Bất kỳ ai bị tình nghi hoặc bị cáo buộc
phạm tội đều có quyền được giả định là vô tội và được đối xử như là
người vô tội cho đến bị chứng minh là có tội, theo luật định, tại một
phiên xét xử trong đó họ được bảo đảm tất cả những gì cần thiết để bào
chữa. Nghĩa là:
- Nguyên tắc suy đoán vô tội phải được bảo đảm cả trong giai đoạn điều tra lẫn trong giai đoạn xét xử;
- Việc bị giam trước khi xét xử, bảo lãnh bị từ chối, hay bất kỳ phát hiện nào về trách nhiệm dân sự phải chịu, cũng không có ảnh hưởng nào làm tổn hại đến nguyên tắc suy đoán vô tội; và
- Các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ tự kiềm chế để không kết án trước khi xét xử, chẳng hạn, bằng cách tránh đưa ra các phát biểu công khai xác nhận bị cáo có tội .
Tất cả những người bị cáo buộc phạm tội
hay bị bắt đều không ai có thể bị ép phải thú tội, tự buộc tội mình hoặc
khai điều gì chống lại bất kỳ người nào khác. Tất cả những người bị cáo buộc phạm tội đều có quyền giữ im lặng trong suốt quá trình thẩm vấn”.
Một án lệ của Tòa án Nhân quyền châu Âu năm 1995 cũng đưa đến nguyên tắc: Bị
cáo không phải chịu trách nhiệm về những chậm trễ do bị cáo gây ra khi
sử dụng quyền im lặng hay khi không chủ động hợp tác với cơ quan tư pháp. Chỉ có thể quy sự chậm trễ trong tiến trình tư pháp cho bị cáo trong trường hợp bị cáo có hành vi cố ý cản trở phiên tòa.
Như vậy, câu trả lời là: Quyền im lặng
là một trong các quyền con người – ấy là theo chuẩn mực quốc tế về nhân
quyền. Nó là một phần của quyền được bình đẳng trước tòa án, quyền được
xét xử công bằng, quyền của các nghi can – tức là những người bị tình
nghi phạm tội và đang bị điều tra… (LKTC sẽ tiếp tục có các bài viết
giới thiệu về những quyền này).
Nguồn ảnh: Wicklander-Zulawski & Associates, Inc. |
Quyền im lặng có gây khó khăn cho công tác điều tra?
Câu trả lời tất nhiên là: Có. Không cần
đặt mình vào hoàn cảnh nhân viên điều tra thì bạn cũng có thể thấy điều
này. Và phải nói thêm rằng, không chỉ quyền im lặng, mà quyền không bị
tra tấn, quyền không bị bắt giữ tùy tiện, quyền được chống lại việc bắt
giữ, v.v. tất cả những quyền con người trong điều tra hình sự đó đều
“gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ
án”, như Đại biểu Đỗ Văn Đương đã nói.
Luật pháp nói chung, quy trình tố tụng
nói riêng càng đảm bảo những quyền này, thì công việc điều tra càng có
nguy cơ gặp trở ngại và bị kéo dài là vì vậy. Ở những quốc gia như Mỹ,
Anh, thậm chí ngay tại một nước láng giềng Đông Nam Á của chúng ta là
Philippines, có những vụ án kéo dài năm này qua năm khác. Người viết bài
này từng chứng kiến quá trình điều tra và xét xử một phụ nữ Việt Nam bị
cáo buộc mang cần sa nhập cảnh vào Philippines. Sau tới hàng chục phiên
điều trần (hearing), việc xét xử vẫn chưa xong vì… bị cáo không có
phiên dịch.
Mặc dù thế, ở các xã hội có truyền thống
tự do hoặc có ý thức tôn trọng nhân quyền cao hơn, pháp luật vẫn hướng
tới việc bảo đảm quyền im lặng cũng như các quyền “gây khó khăn, trở
ngại cho công tác điều tra” khác. Người ta tin rằng, tìm ra và trừng
phạt kẻ có tội là một việc cần thiết và quan trọng – vì công lý; nhưng
không kết tội oan, không mớm cung, bức cung, tra khảo, không hành hạ,
không xử tử nhầm người vô tội, cũng là vấn đề công lý.
Theo nhận định của LKTC thì lâu nay, những gì số đông dân chúng ở Việt Nam hiểu về quyền im lặng, có lẽ chỉ là thông qua một câu nói nổi tiếng mà các nhân vật cảnh sát hay nói với nghi phạm hoặc tội phạm trong các phim hình sự, hành động của thế giới: “Anh có quyền im lặng. Mọi điều anh nói sẽ trở thành bằng chứng chống lại anh trước tòa”.
Bạn có nghĩ như LKTC nhận định không?